NHU CẦU & SỰ HÒA HỢP, Ai Sẽ Đáp Ứng Nhu Cầu Cho Tôi?
...Nên khi chúng ta Yêu thương đúng nghĩa, chúng ta sẽ 'không cảm thấy tự hào' về việc mình đã yêu họ lớn lao như thế nào, nhưng người được Yêu sẽ thấy có một Đức Chúa Trời thật lớn lao và đầy vinh hiển bên trong chúng ta. Họ thấy được chúng ta là một minh họa sống động cho Tình Yêu của Ngài, không phải Tình Yêu là minh họa cho tính cao trọng của Đạo đức con người.
*****
Các vấn đề nảy sinh trong nỗ lực của mỗi bên đáp ứng nhu cầu cho người còn lại. Sự va chạm và dẫn đến xung đột, vì mỗi người, ở bên trong chính mình vẫn còn đó những "Nhạy cảm Yếu đuối" chưa lành, những tổn thương từ quá khứ, từ tuổi thơ, từ những "luật lệ gia đình" ẩn trong cách mình từng được nuôi dạy, lớn dần, bị Phủ nhận nhưng chưa bao giờ được 'Hàn gắn'. (1)Những vỏ bọc che đậy "Tính Nhạy Cảm/ Dễ bị tổn thương bên trong", chúng ta dựng nên một hàng rào ngăn cách, và khi hai tường rào va chạm nhau, thì tạo nên những xung đột tệ hại. Do đó cách an toàn nhất là "Một điều nhịn chín điều lành", chúng ta 'Nhịn' nhưng bên trong chúng ta, xung đột sẽ không bao giờ 'Lành'. Khi cả hai không nhận ra được việc đáp ứng nhu cầu cho nhau một cách đúng đắn, chúng ta sẽ thấy một vòng luẩn quẩn của xung đột, giữa Phản Ứng và Đòi Hỏi.
Cô vợ hay cằn nhằn vì chồng không nói chuyện, và vì tính hay cằn nhằn này khiến người chồng lại càng muốn im lặng, người chồng im lặng lại làm cho cô vợ trở nên cằn nhằn, khó chịu.(2)
hoặc là:
Nếu Em không thể hiện sự tôn trọng anh [Đáp ứng nhu cầu Tôn trọng], thì anh sẽ không thể yêu em hết lòng mình được, và người vợ thì 'Nếu anh không hết lòng với em [Đáp ứng nhu cầu được Yêu thương], thì làm sao em có thể tôn trọng anh?'
Chúng ta đang chơi trò trơi 'Mèo vờn Chuột' trong việc tìm cách Đáp ứng nhu cầu người khác cùng việc Đòi Hỏi cho chính nhu cầu của mình.
Chắc hẳn mình đã biết tới định nghĩa cần phải yêu người lân cận? trong minh họa nổi tiếng của mình, Chúa đã làm rõ việc như thế nào là Yêu người lân cận - Là chăm sóc cho một người có nhu cầu dù họ là người không xứng đáng, họ là người bị ghét bỏ hay kỳ thị. (3) và không có sự đòi hỏi ngược lại.
Mệnh lệnh "Yêu thương nhau" là một trong hai điều lớn nhất, và Giăng đã ghi lại rất rõ ràng trong Phúc âm của mình "Yêu thương nhau như Ta đã yêu các con" (Giăng 15:12, VIE2010), không phải "Yêu thương nhau Như Con Được Yêu Bởi Người Còn Lại" hay "được yêu bởi chính mình" theo Luật Môi-se, nhưng hãy Yêu như Chúa đã yêu mình.
Chúa KHÔNG mệnh lệnh người khác phải Yêu thương mình, nhưng mệnh lệnh rằng Mình hãy Yêu họ. Điều này rất trái ngược với kiểu mối quan hệ "Hai bên cùng có lợi" hay "Có qua có lại mới toại lòng nhau" Nếu mình phát triển mối quan hệ 'toại lòng nhau' như thế này, chúng ta có lẽ đã không ở trong định nghĩa của Ngài về tình yêu.
Người vợ được chấp nhận nhất trên hành tinh này cũng không thể thỏa đáp nhu cầu cần có ý nghĩa của chồng. Vì vốn là một con người tội lỗi [trước Đức Chúa Trời], vợ tôi sẽ không luôn luôn chăm sóc tôi đúng cách được, cho dù cô ấy phải làm đi nữa, cô ấy cũng không đủ năng lực để [hoàn tất được việc đáp ứng hoàn toàn cho nhu cầu của tôi] ...Người chồng được yêu thương nhất trên đời này, cũng không thể đáp ứng được nhu cầu an toàn của vợ. Tì vết của tính ích kỷ đã làm phai nhạt mọi động cơ trong chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không có khả năng trong việc cống hiến cho vợ với sự chấp nhận vô điều kiện và vị tha mà họ mong mỏi. Đơn giản là vì chúng ta không đủ cho nhau. (4)
Ở một khía cạnh khác là cả hai đều hoàn toàn Phớt lờ nhu cầu của nhau, "Chung tiền chung gạo, còn người không chung" , hoặc sẽ tự biến mình trở thành một người Hoàn toàn phục tùng để đáp ứng cho nhu cầu người còn lại. Câu nói phổ biến rằng "Hạnh phúc của anh, chính là hạnh phúc của em" và tôi thấy điều này phổ biến hơn hẳn. Và văn hóa chúng ta đang khuyến khích cho điều này, tôn sùng nó như là một sự Hy sinh lớn lao. (Tất nhiên phạm vi tôi đang nói đến là một mối quan hệ gia đình-giữa vợ/ chồng). Chúng ta sẽ bàn luận về chủ đề này trong phần bài viết tiếp theo.
Tôi thấy phần lớn chúng ta đã dùng đoạn Thánh Kinh này để minh họa cho Tình Yêu hi sinh:
"Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con. Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình." (Giăng 15, VIE2010)
Và tôi có một số câu hỏi cho bạn khi đọc đoạn Thánh Kinh này:
+ Chúng ta đang Yêu Người Bạn đời theo Tình Yêu kiểu nào?
+ Nó có giống như Tình Yêu của Chúa dành cho chính mình không? [Thánh Kinh dùng chữ "Như" : kathṓs (5) nghĩa là theo cách tương tự, cũng tương xứng với cách [Chúa Yêu mình]
Nếu chúng ta đọc các câu trước câu này, sẽ thấy rằng nếu không có được điều kiện "Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta. " thì chúng ta không thể nói rằng mình Yêu thương người khác theo tình yêu thương giống như Chúa chúng ta được. Và nếu chúng ta đọc những câu tiếp theo sau câu này, thì sẽ hiểu được cách mà mình Yêu sẽ như thế nào:
"Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình. Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta."
Tôi sẽ rất hạnh phúc khi mình được yêu bởi Tình Yêu này của vợ mình, là cô ấy là bạn của Chúa Jêsus Christ, vì đây chính là Tình Yêu đích thực. Và sự hy sinh lúc này của người bạn đời của mình, cũng chính là sự Hy Sinh có ý nghĩa thực sự.(6), và khi tôi có Tình Yêu của Ngài ở trong mình, tôi cũng sẽ yêu Nàng như thế.
Như vậy, chúng ta chỉ có thể Yêu người còn lại, với Tình Yêu Đích Thực khi nhu cầu của mình được An Toàn và cảm nhận được Ý Nghĩa Sống trong Tình Yêu của Ngài, khi có được sự vui thỏa trong mối quan hệ này trước tiên, thì sẽ không khiến mình Yêu người kia cùng với "đòi hỏi qua lại nhu cầu" để "lợi cả đôi đàng", lúc này, sự đáp ứng - cho tặng hoàn toàn 'một chiều' đến người còn lại, được tự do lựa chọn và không được thúc đẩy bởi một "sự điều khiển tâm lý" nào để làm điều ấy.
Và rất nhiều người đang nhầm lẫn điều này với kiểu đáp ứng nhu cầu đến hy sinh cả bản thân, và tự hào rằng tôi đã "Hy sinh như Chúa đã dạy bảo" cho người bạn đời mình, nhưng người ấy vẫn không cảm nhận được một niềm vui trọn vẹn, khi bạn đang 'phàn nàn' về điều này, thậm chí cay đắng hay buồn bã, thất vọng thì có lẽ bởi chúng ta đang bám vào một chữ Yêu không đúng nghĩa trong mắt Chúa.
agápē : chủ động đeo đuổi ý muốn Đức Chúa Trời (chọn hành động theo những điều Ngài chỉ định) và vâng lời chúng qua quyền năng của Ngài.Tình yêu thương này luôn được xác định bới Đức Chúa Trời [ là trái quả của Thánh Linh, được thúc đẩy trong mối quan hệ dẫn dắt giữa Đức Thánh Linh với Người Tin Chúa, nó không bao giờ được tạo ra bởi sự cố gắng của con người. Khi Chúa mệnh lệnh hãy Yêu thương nhau, nghĩa là chúng ta có kết trái Thánh Linh và sẽ dành 'quả ngọt' này cho người khác].(7)
Nên khi chúng ta Yêu thương đúng nghĩa, chúng ta sẽ 'không cảm thấy tự hào' về việc mình đã yêu họ lớn lao như thế nào, nhưng người được Yêu sẽ thấy có một Đức Chúa Trời thật lớn lao và đầy vinh hiển bên trong chúng ta. Họ thấy được chúng ta là một minh họa sống động cho Tình Yêu của Ngài, không phải Tình Yêu là minh họa cho tính cao trọng của Đạo đức con người.
Như vậy, hai người theo đuổi việc chính người chồng hoặc vợ mình sẽ đáp ứng nhu cầu cho người còn lại sẽ là điều không bền vững, và chúng ta cũng không thể làm điều này một cách đúng ý nghĩa nhất - theo tinh thần của Thánh Kinh, mọi cố gắng chỉ là nỗ lực của một con người không hoàn hảo, nhiều khiếm khuyết thì không thể đưa đến một cách giải quyết thỏa đáng cho những nhu cầu của người còn lại. Vậy ai sẽ đáp ứng Nhu cầu cho người còn lại?
Hãy theo dõi Hôn Nhân Trong Góc Nhìn của Kinh Thánh để được cập nhật.
Ghi chú:
(1) Jeffrey E. E. Young and Janet S. Klosko, "Reinventing Your Life: The Breakthrough Program to End Negative Behavior and Feel Great Again" (USA: Penguin Publishing Group, 1994) (Lưu ý: Phần dịch tiếng Việt do người viết nghiên cứu này)
(2) Brashaw, John, Bradshaw On: The Family: A New Way of Creating Solid Self-Esteem, (Deerfield Beach, Fla. : Health Communications, 1990) (Lưu ý: Phần dịch tiếng Việt được người viết hiệu chỉnh từ bản dịch của NXB Thanh Hóa:2007)
(3) Lu-ca 10: 25-37 Ẩn dụ về người Sa-ma-ri nhân từ.
(4) Larry Crabb, The Marriage Builder, (Grand Rapids, Mich. : Zondervan Pub. House, 1992) (Lưu ý: Phần tiếng Việt bởi B.E.E Vietnamese)
(5)"2531. kathos", Bible Hub: Search, Read, Study the Bible in Many Languages, https://biblehub.com/greek/2531.htm (Lưu ý: Phần dịch tiếng Việt do người viết nghiên cứu này)
(6) Dù tôi phân phát cả gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, nhưng không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích gì cho tôi. (1 Cô-rinh-tô 13, VIE2010)
(7) "25. agapaó", Bible Hub: Search, Read, Study the Bible in Many Languages, https://biblehub.com/greek/25.htm (Lưu ý: Phần dịch tiếng Việt do người viết nghiên cứu này)
Comments
Post a Comment